Cùng với Luxman và Accuphase, Audio Note Kondo vẫn là một trong những thương hiệu ampli cao cấp đầy tự hào của Nhật Bản. Nếu như đã từng yêu thích ampli của hãng, có thể nhiều người sẽ biết đến công nghệ KSL cũng như những sản phẩm được mang cái tên này.Trên thực tế, công nghệ KSL (Kondo Silver Lexus hay Kondo Sound Lab) thực chất là một công nghệ sử dụng cho dây dẫn cách đây gần 30 năm, nay đã được phát triển thành công nghệ dùng vật liệu bạc cho tất cả các thiết bị để có thể mang lại chất âm mượt mà nhưng vẫn thể hiện sự giàu chi tiết giữa các nhạc cụ khác nhau.
Trong thế hệ ampli của Audio Note Kondo hiện nay, lượng sản phẩm mà hãng giới thiệu rất lớn. Có những thiết bị hi-end có tên tuổi từ cách đây rất nhiều năm như Ongaku, nhưng cũng có những sản phẩm tên tuổi khá mới mẻ như Kagura. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một sản phẩm thuộc thế hệ “Legacy”, đã từng tồn tại trong nhiều năm ở hệ thống sản phẩm của Audio Note Kondo, đó là preamp Audio Note Kondo KSL M7.
Giới thiệu về KSL-M7
Trên thực tế, KSL-M7 có rất nhiều đời sản phẩm khác nhau. Phiên bản đầu tiên do ngài Kondo thiết kế vốn là ampli bán dẫn chứ không phải ampli đèn. Phiên bản ampli đèn đầu tiên xuất hiện trước khi Audio Note bị tách ra thành Audio Note UK và Audio Note Japan, tức là khá lâu trước năm 1997. Phiên bản mới nhất của KSL-M7 (chúng ta còn gọi là phiên bản Kondo KSL-M7 đủ chức năng, có đầy đủ đường line và phono) ra mắt sau khi ngài Kondo qua đời vào năm 2006. Đây cũng là phiên bản mà chúng ta nói đến ngày hôn nay. Kondo KSL-M7 có thể được xem như là một chiếc preamp hoàn hảo; tuy nhiên, không như những chiếc power-amp khổng lồ sử dụng các tấm nhôm tản nhiệt lớn để tạo ra trọng lượng và cấu trúc đồ sộ, KSL-M7 lại có hình thức thanh lịch và khá đơn giản. Thế nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, ta có thể thấy rằng người thiết kế rất chú ý đến cả từng tiểu tiết. Chiếc preamp hi-end này có kích thước 285mm x160mm x 405mm và nặng khoảng 16kg. Có thể thấy, so với những chiếc preamp thông thường, thậm chí cả ampli tích hợp bán dẫn hiện đại, kích thước và khối lượng này có thể được xem là tương đối lớn.
Chi tiết kỹ thuật
Sở dĩ nói rằng người thiết kế chú ý đến từng tiểu tiết của thiết bị, bởi tất cả đều được thể hiện rất rõ ràng, không một chút chi tiết thừa, quen thuộc và dễ sử dụng. Ở mặt trước của thiết bị, có hai núm xoay cỡ lớn bằng nhôm, được gia công tốt, một núm chọn nguồn đầu vào và một núm điều chỉnh âm lượng. Bên dưới hai núm xoay này là ba núm khác nhỏ hơn trông giống hệt nhau. Núm xoay chính giữa là công tắc nguồn của thiết bị, trong khi hai núm xoay ở hai bên là núm xoay điều chỉnh độ lợi cho đầu vào. Điều này khá thú vị vì KSL-M7 chỉ có ba đầu vào, một cổng phono và hai cổng line level. Hai núm xoay chỉnh độ lợi chính là giành cho hai cổng line level. Đây là một thiết kế không quá kỳ lạ nhưng vẫn thể hiện được sự tỉ mỉ của người thiết kế, vì thông qua những núm xoay nhỏ này, độ lợi của đường line level có thể khớp với độ lợi của đường phono, cho phép núm xoay lớn có thể chỉnh âm lượng cho tất cả đầu vào cùng một mức giống nhau. Việc chỉ có ba cổng đầu vào có phần hơi thiếu thốn so với nhu cầu hiện nay. Tuy nhiên điều này khá dễ hiểu vì KSL-M7 kể cả phiên bản mới nhất cũng phải xuất hiện từ cách đây hơn 10 năm rồi.
Núm xoay chọn nguồn đầu vào rất dễ chỉnh. Trong khi đó, núm chỉnh âm lượng lại là chiết áp xoay liền mạch không tách bước, khác hẳn các chiết áp thông thường. Chính xác hơn, đây là một biến trở với kích thước rất lớn. Nếu mở máy ra, nhiều người hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy rằng đây là một trong những biến trở lớn nhất được sử dụng trong một thiết bị dân dụng, do ALPS sản xuất. Và nếu nhìn vào giá của KSL-M7, việc sử dụng một biến trở ALPS đầu bảng với giá lên đến 500 euro có lẽ cũng chẳng có gì quá lạ. Ở thời điểm KSL-M7 xuất hiện vào năm 2006, không có nhiều thiết bị được trang bị loại biến trở này, chỉ có duy nhất Sharp SX-100 và chiếc ampli này cũng có giá cao khủng khiếp. Chúng ta không thể khẳng định rằng chiết áp liên tục hay chiết áp theo bước tốt hơn, nhưng Kondo là một bậc thầy về thiết bị và linh kiện, và sản phẩm của ông cũng chỉ dùng những linh kiện tốt nhất.
Tiếp tục khám phá bên trong chiếc preamp này, thứ tiếp theo thu hút sự chú ý ngoài biến trở ra là phần bảng mạch đồng rất lớn, với phần lớn mạch được lắp ở mặt dưới. Chỉ có đèn, chiết áp cùng một vài linh kiện khác được lắp ở mặt trên. Trước hết, chúng ta có thể thấy biến áp nguồn rất lớn cùng các tụ nguồn, đi cùng với nó là 5 bóng đèn, gồm 2 bóng 12AX7, 2 bóng 12AU7 để làm bóng đầu vào cùng 1 bóng 6X4 để làm bóng chỉnh lưu. Nhiệm vụ lọc cho nguồn sẽ do tụ và cuộn choke đảm nhiệm. Điều khá kỳ lạ ở đây là không có biện pháp điều chỉnh điện áp cao nào được áp dụng cho mạch nguồn. Điều đó cho thấy tay nghề của các kỹ sư ở Audio Note Kondo cực kỳ cao mới có thể giữ cho điện áp và dòng ở mức ổn định đối với một thiết kế mang tính cơ bản như thế này.
Nếu nhìn vào mặt dưới bảng mạch, người dùng có thể thấy các tụ nối chất lượng cao (có vẻ như là tụ dầu foil bạc), cũng như các điện trở foil bạc khác. Những linh kiện cao cấp này cùng dây đấu bằng bạc làm nên cái gọi là công nghệ KSL, vốn đóng vai trò rất lớn trong việc làm nên chất âm của ampli do Audio Note Kondo sản xuất. Vì tất cả đều là hàng tự làm nên đều rất đắt, góp phần giá thành ấn tượng của KSL-M7. Đối với tầng phono, các kỹ sư của hãng sử dụng bộ EQ RIAA chủ động chứ không phải thụ động giống như các ampli phổ thông hiện nay, vì thế ở đây có thể xuất hiện một chút hồi tiếp âm. Thế nhưng riêng mạch line level lại không có một chút hồi tiếp nào.
Kết luận
Nhìn chung, rất dễ hiểu vì sao chiếc preamp này lại có giá cao như vậy. Có thể thấy với việc chế tác thủ công và sử dụng những linh kiện tốt nhất, chiếc preamp này rất xứng đáng với số tiền mà người dùng bỏ ra. Trên hết, với giá thành có phần dễ chịu hơn KSL-M77, đây cũng là một cách khá tốt để người dùng tiếp cận với ampli của Audio Note Kondo.