Như một xu hướng tất yếu, xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng đủ đầy thì con người lại mong muốn tìm về những thú chơi tao nhã. Trong thú chơi đĩa than, không đơn thuần là nghe nhạc, mà là soạn sửa, thưởng thức một món ăn tinh thần đúng với khẩu vị, sở trường của mình. Là khi cái gu âm nhạc của mình được thể hiện rõ nét nhất. Những ai từng nghe đĩa than thường có cảm giác chìm đắm trong âm thanh để cảm nhận cuộc đời đang trôi chảy ngoài kia. Quá khứ, hiện tại đôi khi xoay vòng trong những vòng quay của đĩa than.
Không đơn giản là hoài cổ
Những năm 50-70 của thế kỉ XX, thị trường tiêu thụ đĩa than trên thế giới rất phát triển. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, là thời kỳ hoàng kim của đĩa than. Các tín đồ thực sự của âm nhạc thường có trong nhà một dàn thiết bị để nghe đĩa than. Việc nghe nhạc trên đĩa than được ví như uống cà phê pha phin. Cứ phải từ từ, từng chút từng chút một, rất nghi lễ. Một kiểu thưởng thức đúng nghĩa, trong một không gian phải được chuẩn bị đúng nghĩa, không nhanh và ăn xổi như thời kỳ kỹ thuật số sau này.
Đến đầu những năm 80, do sự ra đời của đĩa CD, thị trường đĩa than đã bị thu hẹp lại rất nhiều, đặc biệt là trong giới nghe nhạc phổ thông. Tuy nhiên, đối với những người chơi hi-fi sành điệu, hiện vẫn sở hữu một số lượng đĩa than lớn, thì việc thưởng thức âm thanh Analog thuần túy qua đĩa than vẫn là một thú vui không gì sánh nổi.
Qua đến cuối thập kỉ 90, cùng với sự phục sinh của các ampli đèn điện tử và loa độ nhạy cao, giới chơi hi-fi ở châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản lại có khuynh hướng quay trở lại sử dụng đĩa than. Nhiều tín đồ âm nhạc sau một thời gian nghe nhạc từ công nghệ số Digital, bắt đầu cảm thấy chán với cách thưởng thức tiện lợi, dễ dàng của công nghệ này. Họ quay về tìm kiếm các giá trị truyền thống. Đây thực sự không phải là một trào lưu hoài cổ, mà sau nhiều năm sử dụng CD, một số người yêu nhạc cho rằng đĩa than vẫn mang lại cho người nghe những âm thanh sinh động mà đầu đọc CD chất lượng khá, thậm chí chất lượng cao, không thể đem lại được.
Âm thanh chất lượng cao
Việc ghi- đọc bằng đĩa than thuần túy là kỹ thuật analog, cho phép âm thanh đạt được độ trung thực cao, dân chơi gọi là tiếng "mộc". Âm thanh của đĩa than có những nét đặc trưng riêng, khác biệt với kĩ thuật số (digital). Khi nghe một dàn đĩa than loại tốt, người ta thấy âm thanh có độ nổi, vị trí cá nhạc cụ chơi trong dàn nhạc hiện lên rất rõ ràng, giọng hát của ca sĩ ngọt ngào và truyền cảm. Chính vì lí do này mà hiện trên thế giới vẫn còn rất nhiều người say mê sưu tầm và thưởng thức đĩa than. Đặc biệt là những người yêu nhạc cổ điển, nhạc jazz - Blue và các loại nhạc cụ acoustic...
Tiếng đĩa than “mộc”, ai đã nghe thì dễ nhớ, dễ “nghiện”. Bởi thế, nếu đã mở lòng đón tiếng đĩa than “mộc” rồi khó bỏ được, ai bỏ thì một ngày chẳng biết trước sẽ ráo riết trở về.
Thú chơi công phu
Nhiều người vẫn cho rằng đĩa than quá cầu kỳ, nghe CD, mp3 tiện hơn. Thế nhưng, đĩa than vẫn mang lại cho người nghe những âm thanh sống động nhất mà đầu đọc CD chất lượng cao vẫn không thể có được. Nghe đĩa than sẽ khiến bạn có cảm giác trân trọng, muốn nghe một đĩa quý từ đầu đến cuối không chuyển bài, thậm chí muốn xông hương căn phòng khi nghe nhạc và chỉ muốn chia sẻ với tri kỷ và giữ đĩa như giữ vàng.
Nếu như nghe nhạc tiện lợi theo công nghệ số, thì bạn chỉ mất một số tiền nhỏ khoảng vài chục nghìn mua đĩa nhạc tại bất cứ cửa hàng bán băng đĩa nào và có thể nghe ở bất kỳ đâu, bằng hệ thống âm thanh chuyên dụng hoặc bạn có thể nghe trên máy tính, trên ô tô, trên điện thoại đều được. Còn với đĩa than, bạn phải mất rất nhiều thời gian cũng như công sức, tiền bạc để có được một không gian nghe nhạc của riêng mình. Các thiết bị để nghe đĩa than công phu lắm, và phải sành, phải hiểu kỹ càng về chúng, bạn mới có thể lắp ráp, căn chỉnh phù hợp. Công đoạn phối ghép các thiết bị thực sự là khó khăn nhất mà những người mới chơi đĩa than phải mất thời gian học hỏi.
Có không ít người sau nhiều năm gắn bó và đầu tư tiền bạc vào những chiếc đĩa đã không đủ kiên nhẫn để chơi tiếp mà chuyển sang CD. Chơi đĩa than không dễ, việc bảo quản đĩa tương đối công phu. Với những người đam mê thú chơi đĩa than, thực sự đòi hỏi phải cầu kỳ và rất kĩ tính. Những người chơi đĩa than họ đều có những hội chơi chung, nhóm hay câu lạc bộ những người có chung sở thích về đĩa than để có thể học hỏi hay chia sẻ với nhau những kiến thức hay những kinh nghiệm của mình về chơi đĩa than.
Đa phần những người chơi đĩa than không thích phô trương, kể lể thú chơi của họ. Họ thường gặp gỡ trò chuyện trong cộng đồng những người cùng sở thích với mình. Có người sở hữu gia tài đồ sộ hàng chục ngàn đĩa than với các thiết bị âm thanh lên đến hàng trăm ngàn USD. Đây thực sự là thú chơi sang của những người vừa có điều kiện kinh tế vừa có gu thưởng thức âm nhạc cao cấp.
Dễ nghiện, khó bỏ
Những người chơi đĩa than thường nâng niu chiếc máy quay đĩa của mình như báu vật. Và một khi đã trót đam mê, trót nghe nhạc trên đĩa than như một thói quen rồi thì họ khó lòng dứt bỏ. Họ cũng không thể quay lại nghe các loại đĩa hay MV trên công nghệ điện tử, kỹ thuật số. Cảm xúc mỗi lần soạn sửa thiết bị để đặt chiếc đĩa than vào mâm đĩa, rồi thưởng thức đĩa nhạc mình thích giống như cảm giác của người nghiện. Việc cai nghiện là thực sự rất khó.
>>> Xem thêm Văn hóa chơi đĩa than và những điều cần biết