Hiroyasu Kondo, cha đẻ của Audio Note Kondo tin rằng các thông số kỹ thuật mặc dù quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định đến nhạc tính, cũng như khả năng khơi gợi niềm say mê của người nghe nhạc. Hãy nhìn vào chiếc preamp Audio Note Kondo KSL M-77 để tìm hiểu xem vì sao Hiroyasu Kondo lại có suy nghĩ như vậy.
Giới thiệu về preamp Audio Note Kondo KSL M-77
Người ta thường nói rằng thứ gì khó có thể đạt được mới đáng quý trọng. Câu nói này có lẽ đúng với chiếc preamp KSL M-77, bởi lẽ đây không phải là một cỗ máy có thể dễ dàng bỏ tiền ra để mua về giống như hàng triệu thiết bị khác trên thị trường. Với một số tiền rất lớn, cùng với việc đây là một thiết bị được làm thủ công hoàn toàn, Audio Note Kondo không sản xuất thiết bị đại trà mà chỉ nhận thực hiện theo đơn đặt hàng. Thời gian để các kỹ sư hoàn thành là 8 tuần, do đó chiếc preamp KSL M-77 quả thực đúng là không dành cho những người thiếu sự nhẫn nại. KSL M-77 còn được gọi là Ongaku Pre KSL M-77, đó là bởi vì một phần trong cỗ máy này sở hữu khá nhiều đặc điểm của Ongaku – cỗ power-amp huyền thoại giúp tên tuổi của Hiroyasu Kondo trở nên lẫy lừng như ngày nay. Những yếu tố như sử dụng linh kiện chất lượng siêu cực phẩm, mang khung thân làm từ đồng vô cùng đồ sộ và chắc chắn, có thể xem như là yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của các thiết bị hi-end do Audio Note Kondo sản xuất. Chiếc preamp hi-end này có kích thước chiều cao, chiều dài, chiều rộng lần lượt là 16cm x 28.7cm x 40.6cm và nặng tới 17kg, có thể nói là đồ sộ hơn rất nhiều chiếc preamp mà người dùng thường gặp trên thị trường.
Chi tiết kỹ thuật của KSL M-77
Giữ nguyên sự đơn giản thường thấy, KSL M-77 hướng người sử dụng đến yếu tố dễ sử dụng chứ không tích hợp nhiều tính năng cho thiết bị. Nếu như các preamp của các hãng như Marantz, Rotel hay Yamaha thường có mạch chỉnh âm sắc thì ở KSL M-77, người dùng hoàn toàn không thể tìm thấy dấu vết của mạch này. Ở mặt trước, người dùng sẽ tìm thấy núm xoay nhỏ đóng vai trò công tắc On/Off, hai núm xoay lớn, một để chọn nguồn đầu vào, một để chỉnh âm lượng và một nút gạt để chọn chế độ Mute. Ở mặt sau của thiết bị, có tổng cộng 5 cặp cổng RCA bao gồm một cặp cho phono, một cặp cho đầu CD và ba cặp line thông thường cho các thiết bị khác. Đầu ra của thiết bị cũng gồm hai cặp jack RCA chất lượng rất cao, do chính Audio Note Kondo tự làm chứ không lấy sản phẩm từ nơi khác. Toàn bộ phần khung thân cũng được hoàn thiện rất tốt, thể hiện trình độ tay nghề cao của những người thợ Nhật Bản. Khi mở máy ra, người dùng sẽ còn phải trầm trồ vì những thứ ở bên trong. 8 bóng đèn 6072A được chia thành hai nhóm với mỗi nhóm bốn bóng và 1 bóng 6X4 để làm chính lưu. Chiếc preamp hi-end còn sử dụng hai biến áp chính, với dây bên trong toàn bộ đều được làm bằng bạc. Cũng cần nói thêm rằng ngài Kondo là người đầu tiên sử dụng bạc cho sản phẩm của mình, và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà ông lại làm điều này.
Những sợi dây của Kondo được làm từ bạc được “ủ” lâu tới hàng chục năm, được đánh bóng thủ công và cuốn sáu lớp điện môi polyurethane thủ công hoàn toàn. Ngoài ra, còn có những công nghệ khác mà hãng cũng chưa bao giờ công bố ra ngoài. Người ta nói rằng, các yếu tố chính để làm nên một ampli đèn đối với các nhà sản xuất khá giống nhau, bao gồm cấu trúc mạch, chất liệu làm linh kiện và cách thức lắp ráp các chi tiết như tụ điện, điện trở hay cuộn dây biến áp. Nhiều người nhận xét rằng mạch bên trong Pre-amplifiers Audio Note Kondo KSL M77 được thiết kế rất đẹp, đồng thời cũng không quá phức tạp. Tuy nhiên, mọi ý tưởng sao chép lại mạch của KSL M-77 đều thất bại vì một nguyên nhân duy nhất: không ai đủ khả năng để nhái được những nguyên vật liệu mà Audio Note Kondo sử dụng để làm nên linh kiện cho sản phẩm của họ, hay cách thức mà họ lắp đặt các chi tiết nhỏ trong cỗ máy. Chỉ lấy một ví dụ đơn giản, bạc mà Kondo sử dụng cho thiết bị của mình đã được xử lý đặc biệt và để dành trong một quãng thời gian rất dài, lên đến hàng chục năm liền. Nhiều người nhận xét rằng khi dùng bạc làm vật liệu ở những loại dây khác, âm sắc có phần hơi đục, sắc và không được thô mộc, tự nhiên. Thế nhưng khi qua bàn tay của Kondo, cũng là bạc mà chất âm mang lại vô cùng ấm áp, liền mạch, tự nhiên, rộng mở và trong suốt. Hay như một ví dụ đơn giản khác, ai cũng biết rằng biến áp của KSL M-77 là biến áp Tango, thế nhưng không ai biết được kỹ thuật cuốn dây mà Audio Note Kondo sử dụng là như thế nào, vật liệu làm lõi là gì.
Kết luận
Có thể thấy, chiếc ampli đèn của Audio Note Kondo thường được xem như những kiệt tác thật sự của giới audio hi-end. Không chỉ sở hữu mức giá cao, sử dụng những linh kiện siêu cao cấp, cách lắp đặt chỉ họ mới biết, chiếc preamp này còn là một sản phẩm chỉ dành cho những người có tâm, nhẫn nại và biết chờ đợi, bởi quãng thời gian 8 tuần chờ đợi lắp ráp, và chưa kể thêm cả vài tuần để vận chuyện chắc chắn sẽ khiến nhiều người hoài nghi, tự hỏi liệu số tiền bỏ ra và quãng thời gian chờ đợi cho một chiếc preamp có xứng đáng không.