Điểm đặc trưng trong trình diễn của thiết bị TAD Audio đó là mang lại trải nghiệm nghe nhạc thực sự hấp dẫn, cảm giác live với độ động cao.
Technical Audio Devices Laboratory, Inc. (gọi tắt là TAD) là một trong số những thương hiệu audio hiếm hoi đến từ Nhật Bản sở hữu các dòng sản phẩm được định vị ở phân khúc ultra hi-end, tức những thiết kế đạt đến độ tiệm cận hoàn hảo trong việc tái tạo của sân khấu âm thanh live. Trong hơn 40 năm lịch sử phát triển, TAD vẫn tuân thủ triết lý riêng của mình đó là phát triển công nghệ, ưu tiên sở hữu vật liệu tốt nhất có thể, chế tác thủ công chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất, đảm bảo chất lượng sử dụng trong thời gian dài và tái tạo tối đa sắc thái gốc của bản thu.
Lịch sử hình thành thương hiệu TAD
Technical Audio Devices (TAD) ban đầu là tên được đặt cho một dự án do Tập đoàn điện tử Pioneer Electronic Corporation có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản (hiện là Tập đoàn Pioneer) phát triển vào năm 1975 với nhiệm vụ sản xuất loa studio cao cấp đáp ứng đòi hỏi kiểm âm khắt khe nhất của những phòng thu hàng đầu thời bấy giờ.
Pioneer được thành lập như một nhà máy chuyên sản xuất loa bởi Nozomu Matsumoto vào năm 1937, khi ông phát triển A8, đôi loa hi-fi đầu tiên của ngành công nghiệp tại Nhật Bản. Đến năm 1975, một dự án đã được Pioneer phác thảo để phát triển các loa cao cấp nhắm vào thị trường âm thanh chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Dự án này được đặt tên là “Dự án TAD”.
Gần 30 năm sau, khi những chiếc loa hi-end mang nhãn hiệu TAD đầu tiên được tung ra thị trường, TAD đã tách khỏi Tập đoàn Pioneer vào năm 2007 với tư cách là một công ty chuyên phát triển và tiếp thị một loạt sản phẩm mang thương hiệu TAD, bao gồm những ampli và đầu CD cao cấp để có thể kết hợp với những chiếc loa TAD tốt nhất. Nhiệm vụ của TAD là kế thừa và nâng cao năng lực kỹ thuật cũng như gia tài được Pioneer tích lũy trong lĩnh vực âm thanh cao cấp suốt nhiều năm qua. TAD đã vinh dự nhận được sự công nhận trên toàn thế giới như là một thương hiệu hàng đầu về sản phẩm loa chuyên nghiệp (1978 - 2000).
Giai đoạn "thai nghén" và hình thành
Pioneer đã mời Bart Locanthi, khi đó là một kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp nổi tiếng ở Mỹ, tham gia “Dự án TAD”. Ông đã chấp nhận lời đề nghị và ân cần chia sẻ chuyên môn giàu có của mình cũng như niềm đam mê vô song đối với thiết kế và kỹ thuật loa với các đối tác của ông tại Pioneer. Ngoài ra, ông cũng “khai sáng” cho họ cách tiến hành mô phỏng và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như cách kết hợp mức độ chính xác và những công nghệ kiểm âm chưa từng có khi thiết kế các mẫu loa mới.
Sản phẩm đầu tiên được “Dự án TAD” ra mắt là củ loa nén TD-4001, được công bố tại hội nghị của Hiệp hội Kỹ thuật âm thanh (AES) được tổ chức tại Mỹ vào năm 1978. Khi đó driver TAD TD-4001 đạt những hiệu suất đặc biệt chưa từng thấy, xuất hiện trên thị trường ở Mỹ, nó đã gây ra sự náo động trong ngành công nghiệp âm thanh chuyên nghiệp và cuối cùng đã thâm nhập vào các phòng thu âm nổi tiếng trên khắp thế giới, bao gồm cả những phòng thu được thiết kế bởi Tom Hidley, một nhà kỹ sư âm thanh hàng đầu thời điểm đó, cũng như những đại phòng thu AIR Studios, Capitol Records studios, và Record Plant.
Các dòng loa của TAD cũng được sử dụng như một phần của hệ thống âm thanh trong chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Eagles (Mỹ) tại Nhật Bản vào năm 1979, và màn trình diễn của loa TAD đã khiến khán giả “choáng váng”. Không chỉ phục vụ phòng thu, lưu diễn, do quá ấn tượng với danh tiếng của loa TAD và cách tái tạo âm thanh đầy hứng khởi, nguyên bản, các nhạc sĩ tên tuổi như Jimmy Page và Prince đã quyết định lắp đặt hệ thống loa TAD trong phòng thu âm riêng của mình.
Những năm 1980 và 1990 đã chứng kiến TD-4001 và các củ loa nén cũng như loa trầm của TAD khác được lắp đặt tại hơn 300 phòng thu âm hàng đầu ở 20 quốc gia. Bước sang thế kỷ 21, những sản phẩm loa TAD và triết lý thiết kế của họ đã giành được sự tin tưởng của các kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.
Nghệ nhân chế tác "nghệ thuật"
Tất cả các sản phẩm của TAD được thiết kế với sự chăm chút, tỉ mỉ đến từng chi tiết và dựa trên các phân tích lý thuyết sâu rộng. Các kỹ sư bậc thầy của hãng thực hiện nhiều đánh giá, trải qua quá trình nghe thẩm âm kiểm nghiệm. Mỗi một chi tiết của cấu thành nên sản phẩm đều được tinh chỉnh về kỹ thuật và thông số đạt tối ưu nhất có thể. Triết lý cực kỳ tỉ mỉ này giúp họ tạo được một tiêu chuẩn thiết kế nghiêm ngặt riêng biệt đối với từng bộ phận trong tất cả các sản phẩm tự hào được gắn logo TAD.
Những người tham gia quy trình chế tạo, lắp ráp sản phẩm thủ công đều là các nghệ nhân đã được chứng nhận tay nghề và có thâm niên. Được biết, các sản phẩm loa hoàn thiện của TAD được lắp ráp trên một dây chuyền chuyên dụng tại Tohoku Pioneer Corporation, đặt tại Tendo, tỉnh Yamagata, trong khi các sản phẩm khác được lắp ráp tại nhà máy Kawagoe của Tập đoàn Pioneer, đặt ở Kawagoe, tỉnh Saitama. Các nghệ nhân này có chuyên môn và kỹ năng đặc biệt trong việc lắp ráp bằng tay các củ loa nén và các thành phần khác đòi hỏi độ chính xác lên đến từng micrômét. Mỗi người thợ chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình lắp ráp các bộ phận và bảng mạch vào các bộ phận âm thanh của TAD trên dây chuyền sản xuất, chú ý đến từng chi tiết nhỏ và đặc biệt tuân thủ tính chính xác ví dụ như kiểm soát lực siết các ốc, canh khoảng độ hở và góc vuông có của cac mối ghép…
Triết lý của TAD
Từ khi cho ra mắt dự án mới, TAD đưa ra những triết lý riêng biệt và tuân thủ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề sản lượng cũng như sự biến động của thị trường. Đầu tiên, TAD luôn tự hào về triết lý âm thanh của mình, đó là cung cấp các sản phẩm mang lại trải nghiệm nghe nhạc không chỉ trung thực với bản thu gốc mà đòi hỏi phải mang lại cảm hứng và sự hưởng thụ âm nhạc. Về công nghệ và sản phẩm, TAD lắp ráp mọi sản phẩm của mình bằng các công nghệ tốt nhất và chú ý đến từng chi tiết, bất kể công nghệ phát triển như thế nào và cho dù xu hướng của âm nhạc thay đổi theo thời gian như thế nào đi nữa.
Theo truyền thống nhưng không bảo thủ, TAD định hướng và luôn có đầu tư mạnh vào R&D để đổi mới bằng cách kết hợp các vật liệu và công nghệ tiên tiến nhất vào thiết kế sản phẩm. Tuy nhiên, hãng luôn tuân thủ chính sách kỹ thuật cơ bản và khái niệm thiết kế công nghiệp mà hãng đã tinh chỉnh trong nhiều năm qua. Cuối cùng là thiết kế các sản phẩm có thể chịu được thử thách của thời gian đồng thời sử dụng các vật liệu và công nghệ chỉ có ở Nhật Bản để nâng cao sức hấp dẫn về mặt nghệ thuật của chúng.
Nghệ thuật chế tác thủ công trong hình thái tốt nhất
Các nhà sản xuất âm thanh cao cấp hiện được chia thành hai trường phái: một là theo đuổi việc tái tạo âm nhạc với tính chân thực và hiệu suất được ghi lại, trường phái còn lại muốn thêm màu sắc âm riêng cho bản gốc. Và TAD nghiêng về trường phái đầu khi tạo ra các sản phẩm tái tạo âm thanh chân thực mà không cần thêm bất kỳ màu nhân tạo nào cũng như không bỏ qua bất kỳ sắc thái nào của bản nhạc gốc. Triết lý thiết kế này, được các kỹ sư chấp nhận và đưa vào mọi sản phẩm của TAD kể từ khi thành lập thương hiệu và đã được các kỹ sư phòng thu chuyên nghiệp trên khắp thế giới đón nhận nhiệt tình.
Để thiết kế loa TAD và các thành phần âm thanh nhằm tái tạo âm thanh gốc, các kỹ sư của hãng đã kết hợp một di sản công nghệ độc quyền với các vật liệu, thành phần và công nghệ hàng đầu. Cách tiếp cận này cho phép các sản phẩm TAD cung cấp những trải nghiệm hiện hữu cho người nghe. Thính giả sẽ cảm thấy như thể họ đang ngồi ở hàng ghế đầu trong phòng hòa nhạc và thưởng thức âm nhạc được phát ngay trước mặt họ, tạm thời quên đi sự tồn tại của loa và các bộ phận của dàn máy trong phòng nghe. TAD gọi khái niệm này là Mục đích của nghệ thuật - sự toàn vẹn.
Công nghệ cốt lõi của TAD
Để biến mục đích nghệ thuật, ý tưởng này thành hiện thực, TAD đã sử dụng một phương pháp kỹ thuật được hỗ trợ bởi các đánh giá về lý thuyết kỹ lưỡng và những thử nghiệm chính xác. Các loa TAD sử dụng củ loa CST làm bằng beryllium đặc trưng, có khả năng tái tạo âm thanh với dải tần siêu rộng lên đến 100 kHz, cũng như thùng loa với công nghệ SILENT (Công nghệ bao phủ nhiều lớp cấu trúc) và Hệ thống cổng thoát tối ưu khí động học (ADS) để có thể tái tạo trường âm đáp ứng chiều cao, sâu và tách lớp, đây là tiêu chí quan trọng nhất để tái tạo âm thanh trung thực nhất.
Các củ loa CST được trang bị trong mọi loa TAD, từ TAD R1 hàng đầu đến đôi bookshelf nhập môn TAD ME1. Các loa lớn trong series Evolution được trang bị ống thoát hơi tối ưu khí động học hai chiều (Bi-Directional Aerodynamic Slot Port), một phiên bản tiên tiến của ADS giúp đạt được khả năng tái tạo âm trầm mạnh mẽ và phong phú hơn.
Nhằm đặt được triết lý âm thanh có độ tinh khiết tối đa, hãng đã sử dụng nhiều bộ phận được phát triển riêng cho các sản phẩm của mình. Ví dụ, mọi đầu phát TAD SACD/CD và bộ giải mã digital/analog (DAC) đều được trang bị bộ clock có độ xác cực cao (UPCG) giúp giải quyết gần như triệt để hiện tượng nhiễu jitter. Mặc dù các đầu phát CD của các thương hiệu khác thường theo đuổi độ chính xác của master clock trong việc chuyển đổi D/A, các kỹ sư của TAD, những người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành digitalo audio lại tập trung vào việc cải thiện tỷ lệ nhiễu trên sóng của bộ dao động thạch anh để đạt được khả năng tái tạo âm thanh tốt nhất.
Nói cách khác, cách tiếp cận của TAD là theo đuổi sự thuần khiết chứ không phải là độ chính xác của master clock. Nếu một số đầu đĩa CD sử dụng bộ dao động rubidium hoặc bộ dao động caesium để đạt được độ chính xác của clock, thì các kỹ sư của TAD lại nhờ các phân tích của máy tính và những đánh giá bằng cách nghe trực tiếp để phát hiện ra việc giảm nhiễu trong dải tần số xung quanh clock trung tâm hiệu quả hơn là cải thiện độ chính xác của clock để giúp âm thanh không bị méo.
Kết luận
Trong bối cảnh thị trường âm thanh thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ về số lượng thương hiệu mới, các nhãn truyền thống thì đã già cỗi, không có tầng lớp kế thừa xuất sắc như thế hệ đầu hoặc phát triển dưới sự tác động từ những nhà đầu tư từ Trung Quốc, TAD là một trong những nhà sản xuất hiếm hoi vẫn tuân theo một tôn chỉ triết lý riêng của mình liên tục trong suốt hơn 40 năm qua, kết hợp giữa chế tác thủ công đẳng cấp nghệ nhân, thiết kế, chất liệu luxury và chất lượng âm thanh “ultra” tạo hứng khởi cho người nghe.
(Theo Quốc Bảo - NgheNhìnViệtNam)