Tin tức sản phẩm

Hệ thống âm thanh và đôi Kharma đầu tiên tại Việt Nam

(30-06-2014, 1:32 pm)

Hệ thống âm thanh và đôi Kharma đầu tiên tại Việt Nam

Share

hinh0123.ht.jpg

HFVN - Ban đầu, chúng tôi quyết định chọn anh Lê Hải chỉ giới thiệu trong loạt vài những gương mặt audiophile bởi anh sở hữu đôi loa Kharma đầu tiên và hiện là đôi duy nhất tại Việt Nam, nhưng khi trò chuyện với anh, chúng tôi lại vỡ ra được nhiều điều hay không chỉ ở kiến thức và cách phối ghép các thiết bị hi-end mà còn ở cách nghĩ, triết lý sống của một con người yêu say đắm dòng nhạc cổ điển.

HỆ THỐNG KHARMA + LAMM INDUSTRIES + MICRO SEIKI + ACCUPHASE + DIY
Hệ thống âm thanh của anh Hải là hệ thống “cao” nhất mà tôi từng nghe, bởi nó được bố trí ở tầng một của ngôi pent house trong khu căn hộ cao cấp 17 tầng. Ở độ cao này, không gian hoàn toàn yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi những tiếng ồn của môi trường. Anh set-up hệ thống của mình trong một căn phòng có diện tích trung bình, sàn lót thảm, trần trang bị những tấm mouse hút âm đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc hạn chế phản xạ âm của trần và sàn, hai loại phản xạ gây nhiễu nguy hại nhất. Mặc dù tôi đã có dịp giới thiệu hãng Kharma (xem tạp chí Nghe Nhìn Việt Nam T12/2006), nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội chiêm ngưỡng đường nét của loa Kharma và được nghe “giọng” của một trong lớp những thương hiệu loa hi-end hàng đầu thế giới.

hinh0124.ht.jpg

Anh Hải thổ lộ về cái duyên chơi hi-end của mình: “Nếu định nghĩa hi-end là một hệ thống nghe nhạc mang tính chất chuyên dụng, có yêu cầu cao hơn mức phổ thông thì mình tiếp cận hi-end rất gần đây thôi, đó là vào năm 2004”. Vào thời điểm đó, anh còn đang học thạc sĩ ở xứ sở hoa tulip và lần đầu tiên trang bị cho mình một hệ thống “chuyên dụng”, theo cách nói của anh. Anh nhớ rất rõ các thiết bị trong bộ dàn lúc bấy giờ gồm: loa Tannoy Little Red Monitor, ampli tích hợp Roger E20A, đầu CD player Revox B226s (hiện tại anh còn giữ làm kỷ niệm) và đầu turntable Thoren TD 160 MKII. Khi về nước, tất cả những thiết bị này cũng theo anh bay về, bên cạnh đó, nguồn phần mềm gồm và đĩa than, đa phần anh đều sưu tập trong thời gian học tại Hà Lan.

Đôi Kharma Ceramique 1.0 được anh Hải phối ghép với power ampli mono Lamm Industries ML2 và preampli tự ráp trong lớp vỏ của Roger E20A. Phần nguồn anh dùng bộ Accuphase DP-100/DC-101 nổi tiếng cho chất âm ngọt ngào và đầu đĩa than Micro Seiki RX5000. Có lẽ, cũng như tôi, các bạn sẽ cảm thấy thiếu step-up và pre phono, hai “món” này được anh tích hợp trong chiếc preamp DIY. Ceramique 1.0 thuộc dòng thứ 2 của Kharma, sau dòng đầu  bảng Exquisite, đôi loa này có thiết kế 3 đường tiếng, dùng loa treble dome lụa, mid màng gốm nổi tiếng của hãng Accuton, Đức và bass màng Kevlar 11inch. Đi kèm theo loa là đôi chân đặc thù của Kharma, mặt loa nghiêng theo hướng ngã về phía sau, thiết kế này cũng khá quen thuộc, nó giúp các mặt loa con có vị trí đồng tâm trên trục đứng, nhờ đó khi hoạt động chúng sẽ có cùng pha về thời gian, giúp các dải tần đạt độ tuyến tính cao. Anh Hải chọn loa Kharma với 3 lý do. Thứ nhất, đây là thương hiệu danh tiếng được rất nhiều bình chọn là loa có chất âm hay. Thứ nhì, nó xuất xứ từ Hà Lan, nơi anh gắn bó một thời với nhiều kỷ niệm. Và lý do thứ 3 là vì may mắn anh tìm được một đôi second-hand trên mạng www.hifi.co.sg với giá rất hợp lý và anh nắm ngay cơ hội.

hinh0125.ht.jpg

Cả đôi poweramp Lamm Industries anh cũng tìm mua qua mạng với mức giá rất hời, bằng một nữa giá gốc qua website: www.audiogon.com, của một tay chơi tận bang Connecticut, Mỹ. Lamm Industries ML2 hiện tại không còn sản xuất mà đã được nâng cấp lên phiên bản ML2.1. Poweramp này sử dụng mạch single end công suất vỏn vẹn 18W Class A, chạy bóng mỗi bên 2 bóng 6C33C, đây cũng là thiết kế ampli đạt nhiều giải thưởng nhất của Lamm. Tuy có nhiều người khuyên anh dùng bóng đèn 6C33C không hẳn là hay, nhưng theo luận giải của riêng mình, dựa vào các thông tin trên internet và sách báo chuyên ngành, thì Lamm ML2 rất phù hợp với Kharma Ceramique 1.0 Anh diễn giải: “Theo mình, cái hay nhất của bóng đèn 6C33C là tái tạo một chất âm đều ở cả 3 dải. Đối với một poweramp, mình nghĩ thế là ổn. Còn chất âm chính của hệ thống sẽ do loa, phần nguồn âm và preamp thể hiện”. Theo quan niểm phối ghép, một thiết bị chơi đều ở 3 dải tần luôn được đánh giá là thiết bị hay, dễ set-up, thực tế không có nhiều sản phẩm được ưu điểm này.

hinh0126.ht.jpg

Bộ đôi Accuphase DP-100/DC-101 sẽ làm nhiệm vụ truyền tải nguồn âm digital từ đĩa CD và SACD đến preamp. DP-100/DC-101 là một trong số những bộ đôi Transport/DA nổi tiếng nhất của Accuphase, từ những đôi DP80/DC-81, đến DP-90/DC91 và mới đây nhất là bộ đầu bảng DP-800/DC-801. Riêng đối với bộ cơ DP-100 và giải mã D/A DC-101, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chất tiếng quá ngọt cũng không hẳn là một ưu điểm tuyệt đối, nhưng không ai có thể phủ nhận đẳng cấp trình diễn chi tiết và đặc biệt giàu chất analog của chúng.

Đầu đĩa than Micro Seiki RX-5000 chạy bằng dây du-roa với mô-tơ rời, mà một trong những thiết bị analog rất hiếm trên thị trường. Hệ thống turntable và mô-tơ rời được đặt trên một kệ gỗ đặc biệt. Phần mặt kệ được cắt thành 2 mãnh rời cho phần mô-tơ và đầu đĩa than để tránh rung chấn gây ra bởi mô-tơ làm ảnh hưởng đến chuyển động của măm đĩa. Ngoài ra, bên dưới 2 lớp mặt này, anh Hải cho phủ cát trắng nhằm tăng tính ổn định và triệu tiêu rung chấn gây ra bởi môi trường và bản thân của thiết bị.

hinh0129.ht.jpg

Trong hệ thống, thiết bị mà anh Hải tâm đắc nhất không phải là đôi Kharma Ceramique 1.0 duy nhất tại Việt Nam (tính cho đến thời hiện tại), đầu đĩa than hàng hiếm Micro Seiki, hay bộ mono power Lamm Industries ML2 mà chính là chiếc preamp DIY.
“Lược sử” về chiếc preamp DIY được anh Hải kể lại rất thú vị. “Đầu tiên phải kể rằng khi mua loa Kharma về mình mất khá nhiều thời gian để tìm ampli. Cuối cùng, mình chọn Lamm ML2, sau khi mua được đôi power ưng ý, nhiệm vụ đặt ra là phải tùm được một chiếc preamp sau cho có thể chuyển tải tốt phần tín hiệu từ nguồn âm ra power amp”. Trong lớp vỏ của chiếc ampli Roger E20A bị hỏng một bên biến áp xuất âm, anh đã chọn giải pháp thay toàn bộ phân “ruột” máy. Anh nhờ người bán ráp tay một preamp dùng đèn Westem Electric 437A cổ, theo mạch của các audiophile Nhật Bản làm phần line. Còn phần phono anh sử dụng kit phono theo mạch của Audio Note, dùng bóng ECC82 và 2 bóng ECC83 của Telefunken. Phần nguồn của preamp cũng được anh đặc biệt quan tâm, tách riêng và chia làm 2 kênh riêng biệt nhằm tránh nhiễu âm một cách triệt để nhất. Bên trong preamp anh cũng tích hợp luôn phần step-up với biến thế nguồn được lấy từ một preamp rất nổi tiếng của Sansui. Anh rất biết ơn người bạn, chủ shop Audio Analog đã giúp anh hoàn thành chiếc preamp này.
Khi được hỏi phải mất thời gian bao lâu để anh có thể set-up hoàn chỉnh bộ hệ thống hiện tại. Anh Hải cho biết mất hơn 1 năm trời. Theo anh, thời gian kéo dải thực ra không phản ánh sự phức tạp hay điều gì đó quý hiếm. Anh cho rằng, tất cả những đồ đang dùng hiện tại, nếu dư tiền bạc thì có thể mua ngay trong vòng 1 tháng, vì hiện nay trên thị trường luôn rất sẵn. Chỉ có điều tài chính không cho phép, nên anh phải “săn” đồ second hand của  những người chơi trong nước và nước ngoài. Đó là lý do việc set-up kéo dài.

NHẠC CỔ ĐIỂN – GU NHẠC VÀ CŨNG LÀ TRIẾT LÝ GIÚP ANH THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG
Tôi được gia chủ ưu ái mời ngồi vào điểm ngọt trên chiếc ghế bọc da tựa lưng rất thoải mái, nóng lòng muốn nghe chất lượng trình diễn của đôi Kharma và sự phối ghép của các thiết bị trong hệ thống, nhưng lại phải chờ “hâm” đôi power Lamm ML2. Thế mới thấy hi-end là thú chơi sang trọng và vô cùng tao nhã. Chúng tôi lần lượt nghe các bản jazz, vocal, hòa tấu và nhạc cổ điển. Nghe track 8, Norwegian Wood, trong album “A Fortnight in France” của Patricia Barber bằng đĩa than 180g, sự kết hợp giữa đầu Micro Seiki Rx5000, chiếc preamp DIY, power Lamm ML2 và Kharma Ceramique 1.0 thể hiện sự mộc mạc và nét tinh tế vốn chỉ có ở âm thanh analog. Không chỉ có thế, hệ thống thật sự lột tả một cách chính xác chất âm của các nhạc cụ trình diễn à vị trí của chúng. Tôi có cảm giác lâng lâng khi nghe giọng của Patricia qua loa con mid màng gốm, nó ngọt và thoát tiếng, giọng hát cực êm, tiếng tròn, rõ. Các dải treble và bass đều được Kharma Ceramiqe 1.0 thể hiện ở đẳng cấp cao và rất tự nhiên. Một ưu điểm nữa của loa là sự phối hợp rất ăn khớp và chắc chắn giữa các dải, thể hiện được sân khấu rất rõ, không bị “dính”.

img129.jpg

Thưởng thức khá nhiều CD với các thể loại nhạc khác nhau nhưng có thể nói đọng lại trong tôi một “hương vị” sâu sắc khí quên là cách mà bộ dàn trình diễn bản Concerto No.3 “Autumn” cung Pha trưởng viết Violin. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng thiên tài Herbert Von Karajan, ghi âm bằng kỹ thuật của phòng thu Abbey Road Studio (phòng thu sử dụng loa B&W Nautilus và hệ thống ampli đầu bảng của Classe), thần đồng violin Anne-Sophie Mutter đã tả thực những cảm nhận của mình ở bản giao hưởng này bằng cách trình diễn phức tạp nhưng không gây ức chế bằng kỹ thuật mà nhẹ nhàng đưa cái thăng hoa đầy xức cảm đến với người nghe. Hệ thống đã trình diễn phần nền của dàn nhạc với chiều sâu làm cho người nghe ngay lập tức có thể nhìn được một sân khấu thực trước mắt. Thể loại Concerto là thể loại tôn vinh một loại nhạc cụ, ở track này sự rượt đuổi giữa một bên là Mutter và một bên là dàn nhạc nền đã tôn vinh kỹ năng và phong cách trình diễn violin tuyệt vời trong một cấu trúc vững và chắc chắn của một bản giao hưởng.

Anh Hải là người yêu nhạc cổ điển và có cái nhìn khá sâu về thể loại nhạc mà người ta thường cho là có tín bác học rất cao này. Nhưng anh lại cho rằng giao hưởng cũng giống như dân ca với nhiều điểm tương đồng như: đều không dành cho người trẻ, có nguồn gốc từ rất xưa và nhạc cổ điển hay dân ca cũng phục vụ cho tất cả quần chúng. Anh kể: “Khi còn học ở Hà Lan, hầu như tôi tiếp xúc với nhạc cổ điển suốt ngày, từ ga điện ngầm, khu mua sắm, sân vận động…”. Theo anh, nhạc cổ điển còn thể hiện tính cộng đồng và tinh thần làm việc tập thể cực cao của người Âu châu, điều mà chúng ta còn phải học tập nhiều. Trong một dàn giao hưởng, các cá nhân phải nhất mực tuân theo sự chỉ huy của nhạc trưởng, nếu một cá nhân nào đó muốn thể hiện mình bằng những kỹ thuật riêng sẽ lập tức phá vỡ cả một hệ thống.

hinh0127.ht.jpg

Do tính chất công việc, anh Hải không có lịch nghe nhạc cụ thể trong một ngày mà rỗi giờ nào anh thử nghe giờ đấy, Đối với anh, nhạc cổ điển không chỉ giảm stress hiệu quả mà còn là một nhân tố tác động trực tiếp giúp anh tư duy hiệu quả trong công việc. Anh tâm sự: “Có những lúc trong công việc mình phải ra quyết định mà thiếu thông tin đầu vào, cần thiết phải tư duy tự chủ, thì mình nghe nhạc. Cho nên dàn máy đối với mình nhiều khi không đơn thuần là một thú chơi, mà là một cách cân bằng trong công việc, cuộc sống”.

Một điểm khá thú vị nữa là từ khi set-up được hê thống khá chuẩn, anh bắt đầu có khả năng phân biệt được khá nhiều chi tiết khi nhe một bản giao hưởng. Anh có thể nhận biết một bản giao hưởng được chơi bởi người nghệ sĩ được đào tạo theo trường phái Nga, Mỹ hoặc châu Âu. Nếu được đào tạo tại châu Âu, người nghệ sĩ thường chơi theo phong cách “feeling” không quá gò bó, ở các nước còn lại, nghệ sĩ thường quá chú trọng đến kỹ thuật. Anh còn phân biệt được tiếng dàn piano danh tiếng của Steinway so với tiếng của các hàng làm dàn khác.

Anh khá hài lòng với set-up của hệ thống hiện tại, nói là khá hài lòng vì phono vân còn một vài khuyến điểm nhỏ, nó vẫn bị nhiễu sóng radio và một số tạp âm khác. Trong tương lại, anh sẽ nâng cấp phần phono, sử dụng bóng Westem Electric 417A và hy vọng rằng khi đó tôi cũng sẽ được thưởng thức một set-up mới của anh.

Theo Tạp Chí Nghe Nhìn

hinh0123.htsmall.jpg



Tin liên quan